Từ xưa đến nay, tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào luôn là một nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách; lá rách ít đùm lá rách nhiều”, sự đùm bọc, thương yêu lẫn nhau giữa con người với con người được thể hiện ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S thân thương này.
Nhưng, cũng cần phải nói rằng, trong một tập thể với biết bao con người ở những hoàn cảnh khác nhau, họ cùng đồng lòng làm công tác thiện nguyện, ấy là điều không dễ. Vì trên hết, để làm được công tác thiện nguyện, cần phải có sự đồng lòng nhất trí. Chúng tôi đi tìm kiếm sự đồng lòng và sẵn lòng chia sẻ ấy và gặp gỡ được những con người đáng quý, đó chính là tập thể các thầy cô giáo Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Đến từ những miền quê khác nhau trên khắp cả nước, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang,… mỗi người một số phận, một hoàn cảnh riêng biệt, họ gặp nhau ở cái tâm gắn bó với nghề giáo và trở thành giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản - ngôi trường mang tên vị anh hùng nhỏ tuổi của dân tộc. Các thầy cô giáo của nhà trường đều là những thầy cô giáo giỏi, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy. Đó còn là những thầy cô tận tâm với nghề, với bao lứa học sinh thân yêu, trong đó có những cô giáo đã nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, nơi mà 100% học sinh là người dân tộc thiểu số.
Với quan điểm hết lòng yêu thương học sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, cho tương lai của con trẻ, sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ với mọi người khi gặp khó khăn, các cô giáo Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã không quản ngại những khó khăn, sớm hôm để soạn bài, gieo cái chữ cho học sinh, giúp các em viết những ước mơ cho tương lai. Giai đoạn dịch Covid bùng phát, việc học tập của học sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với các em học sinh ở các vùng sâu hoặc với học sinh là người dân tộc thiểu số. Để bù đắp những buổi học không thể đến lớp, các cô lại cùng nhau tập huấn, hướng dẫn nhau sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm để thực hiện việc dạy học trực tuyến, quay những bài giảng online cho các em xem lại. Đối với những em không có phương tiện để học online, các cô tìm mọi cách để gửi bài đến tận nhà cho các em ôn tập. Xuyên suốt những ngày học xa cách ấy, các cô trở thành sợi dây kết nối, vừa giúp các em học bài và động viên tinh thần học tập cũng như phòng chống dịch bệnh đối với các em nhỏ. Sợi dây ấy bền chặt lắm, đáng quý vô cùng, để đến khi quay trở lại trường học, các em không bị bỡ ngỡ, không bị khó khăn khi tiếp thu những bài học mới.
|
Ảnh: Những lớp học online thời Covid của cô và trò
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản – Lạc Dương |
Cũng trong những ngày Covid khó khăn ấy, với tinh thần sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với mọi người xung quanh, các cô giáo Trường Trần Quốc Toản đã cùng nắm tay nhau, vượt qua những khó khăn của gia đình, của bản thân để cùng nhau làm công việc thiện nguyện, giúp ích cho xã hội, góp sức cùng chung tay để vượt qua dịch bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đội phản ứng nhanh tỉnh Lâm Đồng (PUN), các cô giáo gác lại những bài học trên lớp, không quản ngại nắng mưa sớm hôm đến các ruộng rau của người dân địa phương để cùng cắt rau, sơ chế và gửi rau về Sài Gòn và các vùng là tâm dịch lúc bấy giờ. Có những hôm đi cắt rau trong những khu vườn xa, đường đi khúc khuỷu, gập ghềnh, xe không thể xuống được; các cô lại cùng nhau vượt suối, chở những chuyến rau bằng xe máy ra điểm tập kết. Sức người các cô nhỏ bé là vậy, mà trong cái bóng sương mờ ảo của buổi sớm mai ở Lạc Dương, các cô đã cùng nhau vận chuyển hàng ngàn tấn rau đến vùng tâm dịch để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Vất vả là vậy, hiểm nguy của dịch bệnh là vậy, nhưng gương mặt và ánh mắt của các cô giáo luôn hiện lên những niềm vui, sự tin yêu vào tình người và cuộc sống.
|
Ảnh: Các thầy cô leo đèo vượt suối đi cắt rau
|
|
|
Lúc yên bình, họ cùng nhau lên lớp với những câu chuyện về chuyên môn, về đam mê nghề nghiệp; lúc dịch bệnh, họ lại cùng nhau hướng tâm làm công việc thiện nguyện, lại cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc đời, động viên nhau để thấy vui tươi với cuộc sống. Tinh thần ấy đáng quý biết bao, cứ bao la và mênh mang tình người như núi rừng đại ngàn của dãy Langbiang phía xa kia.
Ảnh trái: Các cô giáo trường Tiểu học Trần Quốc Toản cắt rau gửi về tâm dịch.
Ảnh phải: Niềm vui hiện lên ánh mắt và gương mặt của các cô giáo trong buổi thu hoạch rau củ giúp người dân vùng dịch bệnh.
Gặp gỡ và trò chuyện với những cô giáo của trường Trần Quốc Toản, chúng tôi nhận thấy sự vui tươi và thêm cảm phục các cô giáo. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc đời, có những cô giáo còn phải đi ở trọ, có những cô giáo có con còn nhỏ…Các cô giáo đã gác lại những âu lo của cuộc sống, để cùng tham gia những công việc thiện nguyện. Có lẽ, sự nghiệp giáo dục đem họ đến với nhau, giúp họ gặp nhau ở trường Trần Quốc Toản, nhưng chính hoạt động thiện nguyện đã gắn kết họ với nhau và đưa họ đến với một gia đình lớn - đại gia đình Trần Quốc Toản. Như lời cô Lưu Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường đã nói “không có ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta”, sự đoàn kết gắn bó của tập thể giáo viên đã giúp trường Tiểu học Trần Quốc Toản - huyện Lạc Dương trở thành một tập thể vững mạnh, giỏi chuyên môn, vững tay nghề và luôn sống cao đẹp, sẵn lòng chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống.
(Ảnh: Chương trình Tổng kết hoạt động thiện nguyện)
Tác giả bài viết
Lưu Thị Liên